Liên hệ

Follow Us

Thiết kế hữu cơ: Hướng tới sự thân thiện với môi trường

Thiết kế hữu cơ: Hướng tới sự thân thiện với môi trường

Tháng Chín 17, 2022 06:09:00

Lấy cảm hứng từ thiên nhiên và tạo nên sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo và tự nhiên, thiết kế hữu cơ (Organic Design) đang trở thành xu hướng trong kiến trúc và nội thất, đặc biệt trong bối cảnh đề cao sự thân thiện đối với môi trường. 

Thiết kế hữu cơ là gì?

Fallingwater House được là công trình nổi tiếng của KTS Frank Lloyd Wright. Công trình hài hoà với thiên nhiên nhờ bố cục thiết kế tự nhiên hòa vào dòng thác chảy. Bên trong sàn nhà, tường đá, đồ gỗ tạo cảm giác hoang sơ, là nơi nghỉ dưỡng thực thụ có thể cảm nhận rõ ràng về thiên nhiên. Ảnh: Architectural Digest

Thiết kế hữu cơ phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng chủ đạo trong kiến trúc và thiết kế nội thất hiện đại giữa thế kỷ 20, đặc biệt ở Hoa Kỳ từ những năm 1940 đến những năm 1960. 

KTS Frank Lloyd Wright là cha đẻ của thuật ngữ thiết kế hữu cơ (Organic Design). Phong cách này lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên, kết hợp các yếu tố và nguyên tắc bắt nguồn từ thiên nhiên vào các hoạt động sáng tạo, thiết kế. 

Triết lý thiết kế này nhằm mục đích mô tả các hình thức, khuôn mẫu và quy trình hữu cơ có trong môi trường để tạo ra các sản phẩm, không gian hoặc tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ và chức năng. 

Yếu tố hữu cơ trong thiết kế đảm bảo sự hài hoà giữa môi trường sống và cá nhân, đặc biệt tập trung vào việc tích hợp kiến trúc vào môi trường tự nhiên.

Phong cách thiết kế hữu cơ trong thiết kế nội thất

Đối với thiết kế nội thất, yếu tố hữu cơ thể hiện trong sự mềm mại, các hình khối bất đối xứng, vật liệu dễ tái tạo và tái chế. Đồng thời là sự sắp xếp, kết hợp hài hoà giữa vị trí, kết cấu, chất liệu của đồ nội thất với môi trường tạo thành một thể thống nhất. Mẫu ghế bành “Trứng”, “Thiên nga” và “Kiến” của KTS Arne Jacobsen, một trong những KTS, nhà thiết kế nổi tiếng của Đan Mạch. Ảnh: Design Addict

Điểm nổi bật trong thiết kế nội thất Organic được thể hiện qua: 

Đường cong: Trái ngược với khuôn mẫu về hình khối một cách chính xác, trong thiết kế hữu cơ, đường cong được sử dụng đa dạng và phong phú theo không gian và mục đích thiết kế. 

Chất liệu đa dạng nhưng dễ tìm kiếm: Tính hữu cơ đề cập đến sự đơn giản, thuần – thô. Các vật liệu được lựa chọn để thể hiện tính tự nhiên, hài hòa nhất với thiên nhiên. Có thể thấy trong phong cách này gỗ – vật liệu gắn liền với tự nhiên được sử dụng rất nhiều, đặc biệt các loại gỗ không qua xử lý, vẫn nguyên bản với đường vân tự nhiên.

Màu sắc đa dạng: Màu sắc trong thiết kế nội thất hữu cơ cũng được thể hiện phong phú đúng theo tinh thần tự nhiên. Việc lựa chọn và sử dụng màu sắc phụ thuộc vào mục đích và tính cách của người sử dụng.

Đặc trưng của phong cách thiết kế hữu cơ 

Thiết kế hữu cơ có những đặc trưng và nguyên tắc riêng. Trong bài tiểu luận năm 1908 có tựa đề “Trong duyên cớ kiến trúc”, cố KTS Wright đã xác định một số đặc điểm của thiết kế hữu cơ: 

  • Đơn giản là nguyên tắc chủ đạo trong thiết kế
  • Công trình cần thiết kế hài hoà để cân bằng với cảnh quan thiên nhiên
  • Nội thất cho công trình cần hài hoà với công trình
  • Màu sắc nên lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên
  • Vật liệu chú trọng đến tính tự nhiên 
  • Các không gian nên mở ra ngoài thiên nhiên

Theo đó, có 5 đặc trưng để nhận biết công trình hay nội thất theo phong cách thiết kế organic:

  1. Lấy cảm hứng từ thiên nhiên

Thiết kế lấy cảm hứng từ hang động trong tự nhiên. Ảnh: Danslegris

Đây là yếu tố tiên quyết khi bước đầu xác định theo phong cách thiết kế organic. Thiết kế hữu cơ vượt qua nguồn cảm hứng đơn thuần để thể hiện triết lý đề cao sự đơn giản và thống nhất với môi trường. 

Phương pháp thiết kế này nhằm mục đích tạo ra sản phẩm hoà hợp với tự nhiên, thúc đẩy cảm giác cân bằng và kết nối. Đồng thời có liên quan đến việc biến đổi và tạo hình có chủ ý cho vật liệu hài hòa với hình dáng con người. 

Ví dụ như các thiết kế ghế, ghế sofa, bàn không chỉ là vật dụng chức năng mà chúng còn mang tính thẩm mỹ, mở rộng trải nghiệm của con người, mang lại sự thoải mái phù hợp với những đường nét của cơ thể. Mẫu ghế Go Chair được thiết kế bởi Ross Lovegrove được lấy cảm hứng từ logic và vẻ đẹp của thiên nhiên, cụ thể là đường cong từ hộp sọ gấu. Vật liệu sử dụng hoàn toàn bằng magie. Ảnh: Bernhardt DesignMẫu ghế Verner Pantone Lovegrove thể hiện đường cong mềm mại từ thiên nhiên với màu sắc nổi bật. Vật liệu sử dụng nhựa từ một khuôn đúc duy nhất. Ảnh: Hivemodern

  1. Hình dạng tự nhiên, bất đối xứng

Thoát khỏi những đường nét cứng nhắc của thiết kế truyền thống, thiết kế hữu cơ tránh những cấu trúc nặng nề mà thiên về những công trình truyền tải cảm giác linh hoạt và tự do. Tính linh hoạt và tự do vốn có trong DNA của thiết kế hữu cơ.

Thiết kế hữu cơ ưu tiên những đường nét mềm mại, hình dạng tròn trịa để truyền tải sự uyển chuyển, mềm mại của thiên nhiên, thúc đẩy cảm giác liên tục và trôi chảy khi nhìn trực quan sản phẩm. 

Tòa nhà UNIC (Paris, Pháp) thể hiện đường nét mềm mại, bất đối xứng, ấn tượng so với các các tòa nhà xung quanh. Ảnh: Archdaily

Hình khối uyển chuyển, đặc trưng bởi những đường cong duyên dáng với đường nét nhẹ nhàng góp phần tạo nên nét thẩm mỹ phản ánh vẻ đẹp của thế giới hữu cơ. Ngoài ra, cấu trúc bất đối xứng là một tính năng độc đáo khác của thiết kế hữu cơ. 

Không giống như các thiết kế truyền thống có tính đối xứng hoàn hảo, thiết kế hữu cơ thể hiện sự phóng khoáng, tự do để tạo ra các bố cục phản ánh sự năng động và phát triển của môi trường cũng như sự khác lạ trong tự nhiên.

  1. Vật liệu tự nhiên

Bản chất vốn có của vật liệu được đề cao trong thiết kế theo phong cách organic. Điều này có nghĩa là tự nhiên nhất có thể. Các vật liệu như gỗ tự nhiên, mây, đay, cỏ, tre… không chỉ mang đến sự ấm áp chân thực mà còn nâng cao trải nghiệm từ xúc giác, kết nối người dùng với thế giới tự nhiên ở mức độ giác quan. Vật liệu từ thiên nhiên, nguyên bản càng thể hiện sự gần gũi, bền vững với môi trường. Ảnh: Rethinking The Future

Ngoài ra, tính bền vững là nền tảng của thiết kế hữu cơ, với sự nhấn mạnh vào việc sử dụng vật liệu để giảm tối đa dấu chân carbon, thúc đẩy sự cân bằng hài hoà giữa con người và tự nhiên. 

  1. Tính nguyên bản

Bằng cách hạn chế những chi tiết trang trí không cần thiết, thiết kế hữu cơ cho phép vẻ đẹp vốn có của vật liệu và hình thức tự nhiên chiếm vị trí trung tâm. Phương pháp thiết kế hữu cơ đánh giá cao chất lượng nguyên bản và đích thực của vật liệu, thể hiện kết cấu và đặc điểm của vật liệu mà không cần bất kỳ trang trí nào. 

  1. Mở không gian với thiên nhiên

Các không gian trong ngôi nhà đều có tầm nhìn hướng ra ngoài thiên nhiên. Ảnh: Building Design + Construction

Thiết kế hữu cơ hướng đến tự nhiên, vì vậy việc kết nối bằng các khoảng mở với thiên nhiên là một trong những yếu tố được chú trọng. Những ngôi nhà theo phong cách hữu cơ thường có mặt bằng sàn mở và không gian sống trong nhà luôn được kết nối với thiên nhiên để củng cố cảm giác tự do, thoải mái.

Theo kienviet